Quần thể Du lịch tâm linh Đền Suối Mỡ

        Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ đều thờ Công chúa Quế Mỵ Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16 ( hiện thân của Thánh Mẫu Thượng Ngàn); nằm trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ba đền này cùng với các đền khác tạo nên khu Quần thể Đền Suối Mỡ.

      Quần thể này gồm 8 đền:
       - Đền Hạ Suối Mỡ ( còn gọi lại Đền Công Đồng Suối Mỡ)
       - Đền Trung Suối Mỡ.
       - Đền Thượng Suối Mỡ
       - Đền Quan Bắc Quốc
       - Đền Cô bé Cây Xanh
       - Đền đức Thánh Trần Triều.
       - Đền Bò
       - Đền Chúa Thượng Ngàn

      Sự tích Công chúa Quế Mỵ Nương (hay Thánh Mẫu Thượng Ngàn) ở vùng Suối Mỡ

      Thời Hùng Định Vương, vị Hùng Vương thứ 16 (có nơi kể là Hùng Vương thứ 6) có một người con gái là công chúa Quế Mỵ Nương vô cùng xinh đẹp. Nhiều vương công quân tử đã đến cầu hôn nhưng nàng đều khước từ, chỉ thích du ngoạn khắp nơi, vừa ngắm xem phong cảnh, vừa thăm thú đời sống dân gian. Có một ngày, Quế Mỵ Nương đến vùng núi non phía tây Yên Tử, thấy cảnh đẹp kì thú, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhưng ruộng đồng dưới chân núi lại khô nẻ vì hạn hán, dân tình đói rách mệt mỏi vì thiếu ăn thiếu mặc. Công chúa rất đau lòng, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh tìm nguồn nước. Núi dốc đứng, đường đi rất khó khăn. Bỗng nhiên một trận gió lớn nâng công chúa lên, đưa đến nguồn suối Mỡ bây giờ thì hạ xuống. Công chúa phải bấm năm đầu ngón chân xuống đá cho khỏi ngó. Bỗng nhiên từ vết lõm của các ngón chân nàng, nước mát tuôn chảy róc rách, rồi ngày càng chảy mạnh tạo nên 5 dòng thác nước chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Nước từ trong lòng núi cũng bị tiếng động đó đánh thức cùng đua nhau tuôn trào thành dòng, thành suối. Dòng suối tươi mát đó tưới cho đồng ruộng quanh năm xanh tốt, người dân nơi đây nhờ thế mà no ấm giàu có hơn lên. Nhớ ơn Quế Mỵ Nương, dân gian đặt tên cho con suối là suối Mẫu. Rồi do húy kị mà từ tên suối Mẹ, suối Mẫu người dân nơi đây đó gọi chệch là Suối Mỡ như hiên nay.
                (Tham khảo thêm tại: http://www.vanhoabacgiang.vn/node/825)

      Vài nét về các đền thờ tại Quần thể đền Suối mỡ

     1. Đền Công Đồng Suối Mỡ

       Đền Hạ là một trong ba ngôi đền có diện tích và quy mô lớn nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ.
Nằm trong kiến trúc tổng thể, đền Hạ có cổngTam Quan – di tích còn sót lại gần như nguyên vẹn qua bao biến cố thăng trầm của thời gian.  Xưa kia đền xây dựng theo lối kiến trúc “ Nội công ngoại quốc ” do sự tàn phá của thời gian, chiến tranh và nhiều lần trùng tu kiến trúc của đền đã thay đổi. Đền được xây dựng khang trang, rộng đẹp nhất vào thời hậu Lê (thế kỷ 15 - 16).

     2. Đền Trung Suối Mỡ


        Nằm tách biệt với khu dân cư, từ xa nhìn lại đền Trung toạ lạc trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo được bao bọc bởi  suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng cho ngôi đền. Với điểm tựa gối đầu là núi Bà Bô; Án là rừng Thông và sườn Giông Khế, theo thuyết phong thuỷ đây là mảnh đất tụ linh và ngôi đền nằm trên thế đất “tựa Sơn đạp Thuỷ”. Nối cõi trần với nơi đất thánh là cây cầu bán Nguyệt - lối đi duy nhất vào Đền. Trong đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương - Thượng Ngàn Thánh Mẫu và một số bệ thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu như: Tam Toà Thánh Mẫu, Vua Cha Bát Hải và Hội Đồng Quan Lớn...
      Tại cung thờ chính còn có thờ Quan Hoàng Quận (tức Quan Hoàng Đệ Nhất, hay Quan Hoàng Cả - Quan Hoàng đứng đầu trong Thập Vị Quan Hoàng).
       Đền Trung Suối Mỡ có một phong cảnh hết sức Sơn thủy Hữu tình.

     3. Đền Thượng Suối Mỡ

      Khác biệt hẳn với đền Trung và đền Hạ, đền Thượng không có tượng  công chúa Quế Mỵ Nương mà chỉ thờ vọng. 
       Tuy vậy, đền Thượng lại là nơi gây ấn tượng hấp dẫn nhiều du khách đến thăm quan, dâng hương làm lễ bởi kiến trúc và vị trí độc đáo của đền. Đền chỉ có một gian rộng, lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá xung quanh làm tường, ba bề trên dưới là đá, cả bệ thờ cũng nguyên khối đá. Điều đó khẳng định giúp ta rằng: trải qua bao thế kỷ, đền Hạ, đền Trung thay đổi nhiều nhưng riêng kiến trúc đền Thượng vẫn giữ nguyên kiểu dáng ban đầu.
    Mới đây, để phục vụ văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng và khách thập phương, đền được mở rộng thêm về diện tích, quy mô và xây bậc thềm lên xuống để phục vụ cho việc đi lại. 
      Bên cạnh đền Thượng có Cung Sơn Trang - Sơn Trang Ngọc Động mới được xây dựng. Động thờ ba vị chúa Sơn Trang, ba mươi sáu Cô Sơn Trang theo hầu và Quan Hoàng Bẩy, Hoàng Mười. Động được trang trí gắn đá san hô, các cây hoa, lá kết hợp với ánh sáng mầu sắc hư ảo, huyền bí, trông rất nguy nga, tráng lệ góp phần thu hút du khách đến với Khu vực đền Thượng ngày một đông hơn.
     4. Đền thờ Trần Triều và Cậu Bé Lệch
 
     Sau khi đến Đền Hạ, vượt qua Đền Trung, Đền Thượng chúng ta đi thêm cỡ 1 km là đến Đền Quan Trần Triều.  Đền Quan Trần Triều nằm bên hồ Thùm Thùm. Điểm thú vị là đến được Đền thì chúng ta cần tự kéo đò qua hồ.
           Đền tọa lạc trên lưng một quả núi nhìn xuống hồ Thùm Thùm nước trong xanh biếc tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có.
           Trước đây, đền nằm dưới lòng hồ. Khi Nhà nước cho xây dựng hồ thì Đền được di chuyển  xây dựng mới.
          Bên cạnh cung thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo thì còn có cung thờ Cậu bé Lệch.
          Tương truyền: Cậu Bé Lệch là con vua Hùng khi sinh ra miệng cậu bị lệch và tay cũng bị khèo nên nhà vua sợ nên đã thả bè trôi sông. Sau khi mất, cậu ngự về vùng đất này. Nghe nói cậu rất linh thiêng. Cung thờ Cậu được xây dựng là công đức của một gia đình ông Phạm Quý Tiêu và một thanh đồng Nguyễn Thị Mai theo linh ứng báo mộng của Cậu. Vì thế lúc nào cung thờ Cậu Bé Lệch lúc nào cũng đầy đồ chơi, kẹo bánh do mọi người dâng Cậu.

     5. Đền Cô bé Cây Xanh

       Tương truyền Cô Bé Cây Xanh theo hầu Quế Mỵ Nương Công chúa. Đền Cô nằm cách Đền hạ Suối Mỡ chừng 2 km. Đền Cô là một gian thờ nhỏ. Sự tích của Cô hiện chưa có nhiều tài liệu.
       Cũng lưu ý thêm rằng Cô Bé Cây Xanh này với Cô Bé Cây Xanh Tuyên Quang là hai cô với sự tích khác nhau.    

     6 . Đền Bò   
        
         Đền Bò thờ công chúa Lê Chân, con gái Hùng Định Vương có công đánh đuổi ngoại xâm và cố công chấn hưng vùng quê này. 

     
 7. Đền Chúa Thượng Ngàn

       Ngay sát với Đền Bò là Đền Chúa Thượng Ngàn. Đền Chúa Thượng Ngàn có một giếng nước trong vắt, quanh năm đầy nước: Hè không đầy, đông không cạn. 
       Nghe nói đây là một ngôi chùa rất linh thiêng. Nếu ghé qua Đền Bò mà không ghé qua đây là một thiệt thòi cho các con nhang đệ tử.


     8. Đền Quan Bắc Quốc 
       
         Nhiều tài liệu cho rằng: Quan Bắc Quốc vốn dĩ là một tướng của Nhà Tống bị nhà Minh truy đổi về ẩn tại vùng này và đã cùng dân chúng chống lại nhà Minh. Vì có công với nhân dân nên sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ Ông.